Nguyễn Đức Nghĩa biết trước thời điểm thi hành án tử?
Nhớ lại những ngày cuối đời của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa, một cán bộ Trại tạm giam số 1 (công an Hà Nội) cho rằng, có lẽ trung tuần tháng 7, Nghĩa đã linh cảm được bản thân sắp bị thi hành án tử nên rất "quậy".
Vị cán bộ kể, từng nghe nhiều tử tù chia sẻ những câu chuyện cuối đời, trong đó có cả việc họ được người thân báo tin "mật" sắp đến ngày bị thi hành án qua những ám hiệu quy ước từ trước.
Ví như hàng tuần, người thân tử tù ký gửi 5 quả táo hoặc 5 quả cam vào trại, nhưng bất chợt họ gửi có 4 quả (4 ám hiệu là tứ - tử). Không loại trừ Nguyễn Đức Nghĩa cũng nhận được... ám hiệu tương tự từ gia đình.
Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên xử. Ảnh: Hà Anh.
Còn về nguyên nhân tại sao người thân biết tin tử tù sắp bị thi hành án, quản giáo trại tạm giam giải thích, theo quy định trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người chấp hành án làm đơn (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú) gửi Chánh án tòa án xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi của người chấp hành án để an táng.
Sau khi xem xét đơn, trước ngày thi hành án, Chánh án tòa án xét xử sơ thẩm sẽ thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị về việc cho nhận hoặc không cho nhận tử thi.
Nghĩa đã nhiều lần tự sát hụt
Thời gian giam giữ chờ thi hành án, Nghĩa cũng giống như các tử tù khác bị cùm một chân, ngồi tại chỗ. Thứ 6 hàng tuần, cán bộ quản giáo sẽ tháo cùm, đổi khóa chân cho tử tù này.
Sau bữa cơm tối, Nghĩa được tháo cùm để đi lại trong buồng dưới sự giám sát của cán bộ trại giam và khoảng một giờ sau sẽ bị khóa chân trở lại. Sáng dậy, anh ta được cho ra ô thoáng tắm nắng.
Mỗi lần có người vào thăm, trại tạm giam đều bố trí một phòng gặp riêng để Nghĩa trò chuyện. Quy trình áp giải tử tù này khá nghiêm ngặt. Anh ta luôn có 4 cảnh sát bảo vệ theo sát. Hai người kẹp tay, một người đi trước, người còn lại chặn sau phòng Nghĩa làm liều. Thời gian trò chuyện bằng điện thoại cố định với người thân qua phòng kính, cảnh sát luôn kiểm soát tình hình.
Hỏi về đồ ăn ưa thích của Nguyễn Đức Nghĩa trong những tháng ngày cuối đời, cán bộ quản giáo bảo anh ta thích thú mỗi khi ăn chân gà luộc.
Quản giáo trại tạm giam kể, mẹ và chị gái Nguyễn Đức Nghĩa vào thăm, ký gửi quà, tiền để mua thêm đồ ăn cho tử tù này khá đều đặn.
Các buổi chiều, Nghĩa được quản giáo phát giấy bút để tự lên thực đơn bữa ăn ngày hôm sau, từ chính số tiền gia đình phạm nhân này gửi lại. Đồ ăn tử tù chọn sẽ được quán giáo tập hợp chuyển tới bộ phận bếp để phục vụ, kèm với đồ ăn của trại.
Theo lời kể, vài ngày trước thời điểm bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, Nghĩa có diễn biến tâm lý bất thường, tâm trạng thay đổi, liên tục đập đầu vào tường, song sắt với ý định tự sát. Anh ta còn đánh cả bạn cùng phòng giam.
Buồng giam tử tù thường có 2 giường (2 bệ gạch xây cao làm chỗ ngủ), cách nhau 80 cm. Bị cùm một chân nhưng Nghĩa vẫn xoay người để đánh bạn tù nằm giường bên cạnh, bóp cổ khiến anh này la hét.
Để đảm bảo an toàn cho Nghĩa, vài ngày trước khi thi hành án tử hình, cán bộ Trại tạm giam số 1 đã chuyển tử tù này tới một buồng giam đặc biệt. Phòng giam này tứ bề được che kín bằng xốp và chăn bông để ngăn anh ta làm liều.
Mấy ngày cuối đời, Nguyễn Đức Nghĩa liên tục bỏ bữa, chỉ ăn chút ít khi quản giáo động viên. Nhận xét về quãng thời gian tử tù này bị giam giữ ở đây, cán bộ này chia sẻ Nghĩa chấp hành khá tốt nội quy trại và được đánh giá là người cục tính.
» Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa khiến luật sư bào chữa phải bất ngờ
» Quản giáo kể chuyện trông tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Theo Zing
Open all references in tabs: [1 - 3]