Hút thuốc lá là một trong những chứng nghiện khó cai nhất với số người nghiện thuốc lá nhiều hơn số người nghiện ma túy và rượu cộng lại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người tử vong vì các bệnh gây ra do hút thuốc lá nhiều hơn số bệnh nhân tử vong vì bất kỳ bệnh lý nào khác! Thế thì với những thông tin mạnh mẽ và dễ dàng kiểm chứng như vậy, tại sao người ta vẫn tiếp tục hút thuốc? Dưới đây là các lý giải qua nghiên cứu của các chuyên gia xã hội học và tâm lý học:
1. Khó có thể bỏ khi đã quen hút. Nicotine có trong thuốc lá là chất gây nghiện mạnh, giúp người hút cảm thấy tỉnh táo và có năng lực tập trung hơn. Những người hút thuốc cảm thấy nhanh nhẹn hơn sau khi hút một điếu thuốc, khi ngưng hút thuốc họ sẽ xuất hiện những triệu chứng như trằn trọc, khó ngủ hơn trước và cảm giác thèm thuồng (được hút thuốc), tăng cân... Chính do những thứ khó chịu này, hơn 70% người có ý định cai đều hút lại sau một thời gian bỏ hút.
2. Việc quảng cáo thuốc lá có ảnh hưởng lớn đối với hành vi hút thuốc. Qua rất nhiều năm, ngành công nghiệp thuốc lá tập trung vào việc tạo ra những nét quyến rũ qua việc hút thuốc của các nhân vật trong phim ảnh, trên truyền hình hoặc thậm chí trên các bản tin tức. Hiện việc quảng cáo thuốc lá bị cấm hầu như trên toàn cầu, nhưng tác động vẫn được duy trì qua các hình thức khác như thuốc lá mẫu được phát miễn phí, các phim hoạt hình có cảnh hút thuốc, hay việc hứa hẹn đổi bao thuốc lá lấy những quà tặng hấp dẫn...
Việc quảng cáo khói thuốc một cách "nghệ thuật" như thế này cũng kích thích người nghiện muốn thử một điếu (Ảnh minh họa)
3. Việc hút thuốc có thể gây ra sự lệ thuộc về tâm lý. Nhiều người hút vì có cảm giác thư giãn và đương đầu tốt hơn với những tình huống khó khăn trong công việc hay cuộc sống, hoặc giúp họ có cảm giác tự tin hơn. Một số khác hút thuốc đơn giản chỉ vì cảm thấy buồn chán. Hút thuốc tạo ra cảm giác thỏa mãn khó cưỡng. Cuối cùng, những người hút thuốc luôn có tâm lý chối bỏ: biết hút thuốc là có hại nhưng cho rằng cái hại đó là không đáng kể chứ không như người khác tuyên truyền!
4. Hoạt động có tính xã hội! Nhiều người xem việc mời nhau hút thuốc như là khởi đầu cho cuộc nói chuyện, hoặc như kiểu tương tác xã giao với nhau. Hiện tượng này được đặt tên là “hút thuốc có tính cộng đồng” và thường có yếu tố rượu bia đi kèm.
5. Nhiều thanh thiếu niên hút thuốc lá vì cái gọi là “áp lực địa vị”. Họ hút thuốc lá để cảm thấy mình “giống người lớn” vì không muốn bị xem là “trẻ con”, hoặc xem đó là hình thức nổi loạn chống lại áp lực của phụ huynh ngầm thông báo rằng “tôi nay đã trưởng thành và những gì người lớn có quyền làm thì nay tôi cũng vậy”. Một điều đã được chứng minh là nếu cha mẹ hút thuốc thì con cái sau này có xu hướng hút thuốc cao hơn hẳn so với trẻ em có cha mẹ không hút thuốc.
Theo Tuổi trẻ