Cô giáo Phạm Thị Phong (trái) và 5 học sinh đoạt giải UPU 39 cấp quốc gia của Trường THCS Tây Sơn (1 giải nhất của Hiếu Hiền và 1 giải nhì, 1 giải ba, 2 giải khuyến khích). Hiếu Hiền đứng cạnh cô giáo (ảnh minh họa của Khánh Hiền)
Tôi sững người, không tin nổi vào tai mình. Trời ơi, tôi – một cô giáo bình thường ở một trường phổ thông bình thường, mà cũng được thành phố hỗ trợ cho số tiền không nhỏ là ba mươi triệu đồng để mua máy quay phim phục vụ việc hướng dẫn học sinh làm phim ư? Mà người quyết định việc đó lại là một vị lãnh đạo cao nhất của thành phố - đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng.
Số là hè này tôi đã nhận lời giúp các em học sinh của trường THCS Tây Sơn tham gia hoạt động làm phim, với vai trò giáo viên hướng dẫn và đóng vai cô giáo trong bộ phim dự thi quốc gia. Khi đã vào học được một tuần rồi, các em lại muốn làm thêm bộ phim dự thi thành phố nhưng gặp phải khó khăn là không có máy quay phim đủ chất lượng.
Trước đây, các em thường dùng máy ảnh kĩ thuật số hoặc máy quay mini cũ để quay, nhưng chất lượng hình ảnh không được tốt và chỉ sử dụng được trong bối cảnh ánh sáng yếu hay ở trong nhà. Còn các cảnh quay ngoài trời nắng thì không đạt. Cho nên nhóm làm phim đã phải huy động tiền của các phụ huynh học sinh để thuê máy nhưng giá thành quá cao, lại rất bất tiện cho việc quay phim luôn phải phù hợp với thời tiết và lịch học của học sinh.
Trong lúc cô trò đang buồn bã vì thiếu phương tiện quay phim thì một học sinh hiến kế: “Cô ơi, hay là bây giờ mình xin ông Nguyễn Bá Thanh cấp cho một cái máy quay đi cô!” Cái gì? Cần một cái máy quay mini cho tụi trẻ con tập làm phim thôi, chứ có phải việc quốc gia đại sự gì đâu mà cũng làm phiền đến nhà lãnh đạo cao cấp nhất ở địa phương. Tôi phì cười vì sự ngây thơ rất trẻ con của các em.
Nhưng các em cứ nhao nhao cả lên. Em này nói: “Cô ơi, mình đến nhà ông Thanh xin đi cô! Cô có nhớ năm xưa khi bạn Hồ Thị Hiếu Hiền trường mình đoạt giải Nhất Quốc tế về Viết thư UPU, cũng được ông tặng ngay căn hộ chung cư cao cấp đấy thôi. Còn phim của học sinh trường ta hai năm nay đều đoạt giải Nhất Châu Á thì chắc là ông sẽ cấp cho máy quay thôi. Chúng em nghe nói ông Nguyễn Bá Thanh rất tốt với dân mà”.
Em khác cho hay: “Nhà em ở gần ngay nhà ông Thanh, nên hàng ngày vào lúc sáng sớm hay chập tối em vẫn thấy nhiều người dân đến nhà ông để xin giải quyết kiến nghị mà. Họ thường vẫn được ông tiếp đón và “giải quyết cái một” đấy cô. Đi đi cô!”…
Trước sự nôn nóng và cả niềm tin rất quyết liệt của đám học trò, tôi đành gật đầu và vội thảo một lá đơn để khi tan học, cô trò cùng “hành quân” đến tận nhà ông Bí thư đưa đơn kèm theo một đĩa DVD mà cả nhóm vừa hoàn thành để tiện thể “khoe” với ông.
Thật rủi là chiều đó sau khi tan sở, ông Bí thư đã đi đón đội bóng SHB - Đà Nẵng vừa soán ngôi vô địch trở về. Vậy là sau khi gửi lại đơn và đĩa phim cho người nhà ông, cô trò đành buồn bã ra về, lòng thầm nghĩ chắc chẳng bao giờ ước nguyện nhỏ nhoi của mình trở thành hiện thực vì ông Bí thư còn bận bận trăm công nghìn việc lớn hơn.
Vậy mà mới có mấy ngày thôi, niềm vui bất ngờ đã đến với mấy cô trò chúng tôi. Nhìn đám học trò hỉ hả, tôi cứ suy nghĩ mãi về cách làm việc nhanh nhạy và rất hiệu quả của vị lãnh đạo đáng kính. Thật đơn giản, thiết thực mà chí lí chí tình, những gì có lợi cho thành phố, cho người dân, nhất là việc ươm mầm thế hệ trẻ là ổng xếp vào việc “cần làm ngay” và “kí cái roẹt”. Lời nhận xét này tôi đã từng nghe rất nhiều người nói, nhưng hôm nay mới thật thấm thía. Và với tôi, điều đó có lẽ còn cao hơn cả số tiền mà ông đã duyệt cho bởi món quà lớn nhất mà chúng tôi nhận được chính là niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của ông, của Đảng và của chính quyền thành phố.
Và giờ tôi càng chia sẻ nhiều hơn với ý nghĩ chung của nhiều người dân Đà Nẵng - nhân dân ta, đất nước ta đang cần và rất cần những vị quan chức luôn thể hiện sự vì dân theo cách hiệu quả, thiết thực và cụ thể như ông.