Hồ ở Hà Nội – một phần hồn vía Thủ đô
31/05/2010
14:57:00
(Chinhphu.vn) - Hà Nội có rất nhiều hồ nước tạo nên một không gian bình yên với xanh trời, xanh nước . Mỗi hồ có vẻ đẹp và truyền thống lịch sử riêng biệt, làm nên một phần hồn vía Thăng Long ngàn tuổi.
Nếu bạn tới Hà Nội, bạn sẽ có dịp đi thăm khá nhiều danh lam, di tích, thắng cảnh... Nhưng có một số di tích tiêu biểu rất nhiều người muốn ghé qua: Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, Chùa Một Cột, Chợ Đồng Xuân...
Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô - rất thân quen, gần gũi với bao người - được ví như một “lẵng hoa giữa lòng thành phố”.
Hồ Gươm - lẵng hoa giữa lòng Hà Nội
Lẵng hoa giữa lòng thành phố
Đúng là nhắc tới Hà Nội, chúng ta không thể quên được Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm. Lùi lại lịch sử cả ngàn năm, vị trí Hồ Gươm toạ lạc bây giờ là một nhánh của sông Cái (sông Hồng) chảy qua. Dần dần, dòng chảy này bị lệch do một nhánh chủ đạo (sông Hồng hiện nay) lấn át.
Đất đai bồi lắng lấp mất sông nhánh còn sót lại hồ này. Lúc đầu, hồ có tên Lục Thuỷ (có nghĩa là nước xanh): Hà Nội có Hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực/ Bên hồ ngọn Tháp Bút/ Viết thơ lên trời cao (Trần Đăng Khoa). Tên gọi “Hoàn Kiếm (trả lại kiếm)” bắt nguồn từ một truyền thuyết. Đó là sự kiện nghĩa quân Lê Lợi dấy binh ở Lam Sơn, Thanh Hoá, cùng Nguyễn Trãi và các tướng sĩ chống giặc Minh. Trong một cuộc hành binh, ông tình cờ bắt được thanh gươm thần và nhờ đó mà có thêm sức mạnh chống giặc thành công. Khi lên ngôi, Lê Thái Tổ (1428)- Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo chơi trên hồ thì bỗng nhiên có Rùa Vàng nổi lên đòi lại gươm báu. Vua cung kính rút gươm thần trả lại. Rùa Vàng ngậm gươm lặn xuống, để lại vệt sáng xanh huyền ảo dưới đáy hồ. Tên Hồ Hoàn Kiếm ra đời từ đấy.
Hồ Hoàn Kiếm còn quy tụ nhiều di tích khác nữa. Đó là Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn... Với vị thế trung tâm, có nhà bưu điện, sát cạnh khu phố cổ và nhiều công trình văn hoá khác, Hồ Gươm là một tụ điểm văn hoá, thương mại, du lịch...
Hồ Gươm đẹp và duyên dáng. Mùa nào cây cối cũng xanh tươi, đủ loại: liễu, hoàng đàn, sấu, lộc vừng, phượng vĩ... Du khách, công chức, cư dân nơi đây đều có thể nhẹ nhàng tản bộ quanh hồ để hít thở không khí trong lành một buổi sớm mai. Hoặc thư thả ngắm nhìn cảnh vật, với Đài Nghiên đêm ngày uy nghi dáng thẳng “viết thơ lên trời cao”, với Cụ Rùa hàng trăm tuổi đột nhiên bơi lên đớp sóng giữa mặt hồ để bao người có cơ hội chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn... Xanh xanh quá bầu trời Hà Nội/ Hồ Gươm xanh hay mắt em xanh? Bao nhiêu tứ thơ, áng văn hay đã vút lên tự nơi này...
Bát ngát Hồ Tây
Mỗi hồ một vẻ
Thủ đô Hà Nội đâu chỉ có Hồ Gươm! Còn có biết bao hồ khác nằm rải rác khắp nơi tạo nên một không gian xanh trời, xanh nước, xanh Thủ đô. Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Ba Mẫu, Hồ Thủ Lệ, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Linh Đàm, Hồ Hai Bà Trưng... Nhiều, nhiều lắm. Mỗi hồ mỗi vẻ với vẻ đẹp và truyền thống lịch sử riêng biệt.
Hồ Tây (còn gọi là hồ Dâm Đàm) với diện tích hơn 500 hecta, nằm ở Tây Bắc thành phố gắn với truyền thuyết Nguyễn Thị Lộ (phu nhân của Nguyễn Trãi): Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon... Cạnh Hồ Tây có hồ Trúc Bạch lừng danh với chiến công bắt sống phi công Mỹ (viên thiếu tá phi công Mỹ John McCain). Công viên Thống Nhất lại bao gồm Hồ Bảy Mẫu và Hồ Ba Mẫu, ghi nhận công sức lao động của nhân dân Thủ đô những năm sau hoà bình lập lại (1954). Ngay cả Hồ Ngọc Hà nhỏ bé cũng từng mang trên mình một chiến tích: xác B52 Mỹ bị bắn rơi còn nằm đấy như một chiến tích...
Quả là Hà Nội đi đâu ta cũng thấy hiển hiện bóng dáng vùng đất ngàn năm, ngay cả mỗi tên hồ cũng gắn liền với lịch sử, truyền thuyết, văn hoá và con người đất kinh kì. Điều này đã làm cho Thăng Long - Hà Nội không chỉ đẹp mà còn rất thiêng liêng.
Hãy chung sức chung lòng
Vậy mỗi người chúng ta, mỗi cư dân Hà Nội cần phải có bổn phận, trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo những hồ - một phần làm nên hồn vía Thăng Long ngàn năm.
Hãy chung sức chung lòng gìn giữ gương hồ Hà Nội. (trong ảnh: Hồ Bảy Mẫu)
Bởi nếu nghiêm túc nhìn nhận, ta thấy cảnh quan của nhiều hồ nước xinh đẹp kia đang bị ảnh hưởng. Người ta vứt bừa bãi rác rưởi, thức ăn... xuống mặt nước xanh. Người ta đổ đất lấn chiếm diện tích mặt hồ. Người ta bẻ và phá hoại cây xanh cùng vi phạm các công trình đô thị nơi đây…
Đó là những hành vi thiếu tinh thần xây dựng và là điều khó chấp nhận với cách ứng xử văn hoá cần có của người Hà Nội.
Nếu thực sự chúng ta yêu quý hồ và cảnh quan Hà Nội, chúng ta phải biết chung tay giữ gìn. Hãy từ một để làm nên cộng đồng. Mỗi người Hà Nội hôm nay phải cùng nhau đóng góp một phần công sức để Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch... mãi xanh, mãi đẹp “như một bài thơ”.
Phạm Văn Tình