(VTC News) - Ấu trùng mò đốt khiến người bệnh sốt cao, nếu không điều trị, bệnh có thể nặng và đe dọa tính mạng.
Cán bộ y tế không biết bệnh sốt mò
Dân thích phượt ở những vùng núi, rừng cẩn trọng không bị ấu trùng đốt khiến mắc bệnh, vì ấu trùng mò chủ yếu ở các vùng nó nhiều cây cối, vùng rừng núi.
Vết mò đốt nhưng nhiều cán bộ y tế không biết. (Ảnh: PLĐS)
Bệnh nhân có thể tử vong thường do suy đa cơ quan, trong đó suy hô hấp cấp là nguyên nhân hàng đầu. Tỉ lệ tử vong của sốt mò khi không điều trị kháng sinh là 50-60%.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái, tính từ đầu tháng 4/2014 đến ngày 13/ 9/2014 đã có 78 bệnh nhân sốt mò đến điều trị tại bệnh viện huyện và thị xã của tỉnh Yên Bái.
Bệnh nhân sốt mò tập trung nhiều nhất ở huyện Văn Chấn (54%), thị trấn Nghĩa Lộ (21%), huyện Trạm Tấu (15%) và huyện Mù Cang Chải (10%). Tuổi của bệnh nhân từ 1 đến 52 tuổi, phụ nữ mắc nhiều hơn nam.
Ở Việt Nam sốt mò đã được Noc. Goutron phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bố.
Bệnh sốt mò đã xảy ra ở một số địa phương, sau nhiều năm bệnh đã lắng xuống. Nhưng hiện nay, bệnh sốt mò đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái với diện khá rộng và số bệnh nhân tăng.
Điều đáng quan tâm là hiện nay các loại thuốc kháng sinh điều trị sốt mò đặc hiệu như Tetracyclin, Doxycyclin … không có trong danh sách cơ số thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở tuyến Y tế xã.
Những địa phương nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở đã “lãng quyên” bệnh này. Do đó những người bị sốt đến trạm xá, cán bộ y tế xã không nghĩ đến bệnh sốt mò, và nếu nghi là bị sốt mò cũng không có thuốc điều trị.
Vì vậy trạm Y tế xã phải gửi lên tuyến trên, khi lên bệnh viện tuyến trên bệnh đã nặng, đe dọa đến tính mạng.
Bệnh sốt mò thế nào?
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung Ương thì bệnh sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. Bệnh lưu hành chủ yếu ở khu vực Châu Á và Tây Thái Bình Dương.
Còn mò sống ở bụi cây, cỏ ẩm.
Mầm bệnh là Orientia tsutsugamushi (còn có tên R.orientalis, hoặc R.tsutsugamushi). Ấu trùng mò bị nhiễm R. orientalis khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh; sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng.
Trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu (mò có thể truyền mầm bệnh qua trứng đến đời thứ 3). Những con ấu trùng đời sau này sẽ làm lây nhiễm cho các con vật khác và người khi đốt và hút máu.
Như vậy mò vừa là vật chủ, vừa là trung gian truyền bệnh. Quá trình nhiễm trùng được duy trì trong tự nhiên giữa mò và các loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột, thỏ, lợn và các loài chim, hoặc gia súc ...
Mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, phía trên là các vòm cây cao hoặc trong các hang đá có các loài gậm nhấm sống.
Từ vết loét r. orientalis đột nhập vào hệ bạch huyết gây viêm hạch tại chỗ rồi tiến tới gây viêm hạch toàn thân, gây sưng, đau hạch. đồng thời chúng đột nhập vào máu gây viêm nội mạc huyết quản toàn thân gây tổn thương viêm nhiễm ở các phủ tạng.
Với thể thông thường điển hình, thời kỳ nung bệnh: trung bình từ 8 đến 12 ngày, sớm là 6 ngày, dài là 21 ngày. Ban đầu, tại nơi mò đốt nổi lên nốt phổng nước, thời gian này chỉ trong vòng một ngày tính từ khi mò đốt. Song bệnh nhân không hề biết vì không thấy đau, rát hay ngứa.
Sau đó, người bệnh bị nhiễm trùng nhiễm độc thường khá nặng với những triệu chứng sốt nhẹ 1đến 2 ngày đầu, sau sốt cao liên tục.
Cũng có nhiều trường hợp đột ngột sốt cao ngay 39 - 40°c trong ngày đầu giống như sốt rét.
Tình trạng nhiễm độc thần kinh ở bệnh nhân thường nặng nề, nhức đầu là dấu hiệu khởi đầu, đau khắp đầu, có thể nhức cả 2 hố mắt, mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, lưỡi run rẩy, có cơn vã mồ hôi.
Xuất hiện các vết loét khắp cơ thể như bộ phận sinh dục, nách, bẹn rồi đến hậu môn, háng, thắt lưng sau mới tới chân tay, lưng, ngực, bụng, cổ, đôi khi vết loét ở vị trí khá bất ngờ như vành tai, rốn, mi mắt.
Ngoài ra, hạch to xuất hiện cùng các vết ban mọc toàn thân. Bệnh nhân có thể bị tổn thương tim mạch cũng như các triệu chứng hô hấp.
Từ đó, các bác sỹ khuyến cáo để tránh bị nhiễm bệnh cần phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò, bẫy diệt chuột. Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay có tất tay, tất chân che kín cơ thể. Không để quần áo hay nằm trên cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.
» Ký sinh trùng từ ốc tấn công não người
» Cận cảnh 'quái vật' giun ký sinh chui ra từ cơ thể vật chủ
» Rận bẹn ký sinh ở 'chỗ khó nói'
» Món ăn ngon miệng, chết người
Ngọc Mai
Open all references in tabs: [1 - 4]