Chuyện lạ ở miền tây xứ Thanh: Đãi khách quý bằng… nòng nọc

(VTC News) – Ở một số vùng thuộc miền tây Thanh Hóa, người Mường coi nòng nọc là món ăn sang trọng, chỉ để tiếp khách quý.

Ở miền tây Thanh Hóa, có nhiều món ăn độc đáo, mà nhắc đến, không ít người sởn da gà.

Trong số đó, độc đáo nhất là món sâu măng chiên, món nhái suối và món nòng nọc.

Loài sâu măng to bằng ngón tay, trắng nõn, ngo ngoe, sống trong ống cây măng luồng, măng vầu to bằng cái phích, là thứ đặc sản đắt tiền, kiếm rất khó.

Người ta phải vào rừng sâu, kiểm tra từng cây măng, xem có thương tích nào không. Nếu cây măng có vết thương, thì phải đốn hạ, bổ ra, để bắt từng con sâu béo mẫm.

Loài nhái suối cũng là món ăn độc đáo. Nhái suối chính là con nghóe ở dưới xuôi. Con nhái rơn rớt ấy, bằng bàn tay điệu nghệ, người phụ nữ miền tây xứ Thanh cầm chiếc cật nứa quẹt một cái, là lục phủ ngũ tạng tuột hết ra ngoài.


Cụ Trinh kéo sọt bắt nòng nọc 

Nguyên cả đầu, tay, chân da còn chất nhờn nhớt được quăng vào nồi, ướp cùng gia vị là mẻ, muối, chút rau thơm và rất nhiều ớt tươi. Chỉ có thế là bắc lên bếp đun sùng sục. Ấy thế mà ngon, lạ miệng, tốn rượu.

Cụ Đinh Văn Trinh, 81 tuổi, người Mường (thôn Yên Sơn, Thành Yên, Thanh Hóa), vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Ông kể say sưa về những món ăn độc đáo xứ mình.

Nhưng món mà người Mường ở miền tây Xứ Thanh này yêu thích nhất, phải là món nòng nọc. Những con nòng nọc béo mẫm, to bằng ngón tay chỉ để đãi khách quý, hoặc trong nhà có việc gì đó trọng đại.

Cụ Đinh Văn Trinh vốn là công an xã. Giờ già lắm rồi, nhưng cụ vẫn là cao thủ săn nòng nọc nổi tiếng nhất vùng.

Con suối Vó Ấm chảy từ Vườn quốc gia Cúc Phương, quanh co ngoài cánh đồng thuộc địa phận xã, là con suối khá lớn.


 

Nòng vào sọt ăn lá khoắn và dính bẫy 

Con suối này nước chảy hiền hòa, nước trong vắt. Thứ nước chảy từ núi đá vôi ấy không hiểu có chất gì lạ, mà loài nòng nọc rất to, con nào con nấy to bằng ngón tay người lớn. Theo cụ Trinh, nòng nọc ở suối Vó Ấm là con của loài ếch núi, là loài ếch mình bằng cả cái bát con.

Cụ Trinh kể: “Chẳng biết từ bao giờ, người Mường đã có thói quen ăn nòng nọc. Từ đời tổ tiên, cha ông, đã ăn nòng nọc rồi. Nòng nọc được chế biến thành cả chục món khác nhau, nào chả, nào rán, nào xào, nào nấu, nào nướng, nào kho…”.

Theo cụ Trinh, mấy chục năm săn nòng nọc để ăn và bán, song cụ chưa thấy con suối nào mà nòng nọc to, béo và ngon như nòng nọc ở suối Vó Ấm.

Để tôi được xem công việc săn nòng nọc, cụ gọi tôi dậy từ 5 giờ sáng, khi mặt trời con chưa thấy đâu, đường đi còn mờ ảo.


 

Cánh đồng Yên Sơn hiện ra trong làn sương lảng bảng. Dãy núi bao quanh mờ ảo đẹp như cổ tích.

Chúng tôi đi xuyên qua cánh đồng mía bát ngát, những bụi cỏ thưa. Tiếng suối róc rách êm tai phả lên hơi mát lành lạnh.

Cụ Trinh dẫn tôi lên sườn một quả đồi, rồi bẻ một bó cành lá màu xanh thẫm, mà cụ bảo là lá khoẳn. Tôi ôm bó lá xuôi về phía suối theo chân cụ. Cụ Trinh đã 81 tuổi mà vẫn leo núi, lội suối phăm phăm. Bắp chân cụ màu đồng, rắn như khối thép.

Tôi theo cụ vạch bụi cây, chui xuống mép con suối lớn. Tôi nhìn quanh quất mép suối, những cành cây chìm dưới nước, những tảng đá bám rong rêu, song tuyệt nhiên chẳng thấy con nòng nọc nào. Cá suối bằng đầu đũa thì bơi lội thành đàn ngược dòng nước.


 

Cụ Trinh với sợi dây rừng buộc ở gốc cây, rồi kéo lên. Cụ kéo một lúc, thì chiếc sọt đan tre trồi lên khỏi mặt nước, trôi vào bờ. Cụ kéo đều đều, khiến chiếc sọt lướt trên mặt nước.

Đặt sọt lên bờ, cụ nhấc nắm lá khoẳn, giũ mấy cái, mới thấy nòng nọc loe ngoe đầy đáy sọt.

Cụ Trinh lắc lắc chiếc sọt cho nòng nọc dồn vào một góc, rồi trút cả vào chiếc túi vải đeo bên mình. Cụ thay lá khoắn mới vào sọt, chèn thanh ngang chặn lá, đặt hòn đá vào, rồi lại ném sọt ra giữa suối.

Cứ như vậy, tôi và cụ Trinh đi ngược lên phía đầu nguồn con suối để kéo bẫy, bắt nòng nọc. Cứ cách đoạn khoảng 20-30, lại có một cái bẫy nòng nọc.

Đến khoảng 8 giờ sáng, khi mặt trời chiếu rọi khắp nơi, thì tôi và cụ Trinh trở về với chiếc túi vải đầy ắp nòng nọc.


Quăng bẫy 

Vừa về đến nhà, đã thấy lái buôn đứng đợi. Cụ đặt túi nòng nọc lên cân, được 2kg. Lái buôn trả cụ 200 ngàn đồng.

Chiều xuống, khi mặt trời khuất bóng, tôi vào cụ Trinh lại đi một vòng ngược suối Vó Ấm để nhấc sọt, bắt nòng nọc. Tuy nhiên, buổi chiều được ít nòng nọc hơn, cỡ 5 lạng.

Về đến nhà, có lẽ đã dặn trước, nên con dâu cụ Trinh đã chuẩn bị sẵn gia vị. Chị đã thái măng tươi, chuẩn bị hành, răm, mùi tầu, ớt, mẻ.

Rất chuyên nghiệp, chị dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, toàn bộ phần lòng ruột của nòng nọc trôi ra ngoài. Chị gẩy một loáng đã xong, được miệng bát tô nòng nọc.

Gia vị xào măng thơm lừng, nước sôi đổ vào nồi, rồi trút luôn tô nòng nọc trắng tinh.

Bát nòng nọc nấu măng được rắc gia vị, trông khá hấp dẫn. Biết rằng khách quý mới được mời món đặc sản này, nên tôi dùng muôi múc vào bát.

Gắp con nòng nọc mềm mại, trắng tinh, bốc khói cho vào miệng. Cảm giác ghê ghê tan biến đâu mất. Vị nòng nọc ngọt lịm ngấm vào chân răng, xuống tận cuống họng.

Theo cụ Đinh Văn Trinh, có thể, xưa kia, vì đói kém, nên các cụ đã phải bắt nòng nọc, thứ có rất nhiều dưới suối để ăn. Thế nhưng, vô tình, món nòng nọc đã biến thành đặc sản của người Mường ở miền tây Thanh Hóa.

Dương Phạm Ngọc

Leave a Reply