(VTC News) – Một ngày tỉnh giấc, anh thấy những sợi tóc trên đầu của mình thật vướng víu, gây ức chế. Anh nhổ 1 sợi, hai sợi và rồi trọc cả đầu. Cảm giác thật thư thái…
Thửa quả mũ đầy khóa để không nhổ tóc
Bệnh nhân Nguyễn Văn H (45 tuổi), là một kỹ sư, đến khám bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương vì một thói quen kỳ lạ, xuất hiện chỉ vài tháng nay. Đó là anh không làm sao cưỡng lại việc thích… nhổ tóc của mình. Ban đầu là thói quen nhổ 1 sợi, sau đó là cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Rồi sau đó, anh H phải nhổ tới hai sợi mới thấy phê và chỉ 1 tháng sau, anh phải nhổ cả nhúm tóc ra khỏi da đầu, cảm giác khoan khoái mới đến. Khi thấy một nửa mảng đầu trống hoác, anh lại chuyển sang bên kia để nhổ. Cứ thế, đầu anh dần trọc lếu, và cứ có sợi tóc nào mọc lên là anh lại nhổ không thương tiếc.
Tóc là thứ ám ảnh khó chịu khiến họ phải "thủ tiêu" chúng càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa nguồn Internet
Thời gian đầu, ý thức được việc mình làm là kỳ cục, anh H phải hết sức kiềm chế mỗi khi ra ngoài giao tiếp. Gặp ai, anh đều phải gồng mình, nắm chặt hai tay vào thành ghế, để không đưa tay lên nhổ tóc, mồ hôi chảy ướt cả áo. Đến khi ra ngoài đường, anh phải tìm chỗ vắng, cởi mũ và đưa tay lên nhổ tóc thật lâu, thật nhiều mới có cảm giác… đã thèm.
Nhưng khi thấy thói quen đó càng ngày càng nhiều hơn, tần suất tăng lên, tóc ít đi, anh đã ý thức để kiềm chế thói quen đó bằng cách thửa riêng chiếc mũ, ôm chặt vào đầu, và có hẳn khóa, để không thể dễ dàng cởi mũ mà nhổ tóc. Nhưng cuối cùng, anh vẫn phải chào thua thói quen đó, và chấp nhận đến bệnh viện để khám.
“Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện chúng tôi mà rất xấu hổ vì thói quen kỳ lạ của mình. Phải gợi mãi, phải dọa dẫm, bệnh nhân mới kể lại cho tôi nghe những phiền muộn, lo âu và tỏ ra rất xấu hổ với căn bệnh của mình. Khi cởi mũ ra, đầu bệnh nhân đã gần trọc, tóc mọc thưa thớt và da dầu rớm máu khắp nơi. Bệnh nhân cho biết, phải giật mạnh họ mới thấy dễ chịu. Khi tôi phân tích đó là bệnh lý, họ mới ớ cả người!” – BS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết.
Trường hợp thứ 2 cũng đến khám tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương là một nam thanh niên mới ngoài 30 tuổi. Căn bệnh nhổ tóc đến một cách tự nhiên, chứ bệnh nhân không hề trải qua một cú sốc tâm lý nào. Cũng như bệnh nhân H, anh này rất loay hoay với “thói quen” từ trên trời rơi xuống vì nhu cầu nhổ tóc ngày càng nhiều lên mà không làm sao từ bỏ được. Tuy vậy, do khám chữa bệnh sớm nên qua theo dõi, thay đổi thuốc 1, 2 lần, thì bệnh nhân này đỡ bệnh ngay. Anh chỉ cần luyện tập hằng ngày, theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Một căn bệnh kỳ lạ
“Một trong những rối loạn đặc trưng nhất của bệnh nhổ tóc là mất tóc đáng kể do xung động nhổ tóc nhiều lần không thể kháng lại. Trước khi nhổ tóc, bệnh nhân thường có căng thẳng tăng cao và sau khi nhổ tóc có cảm giác dễ chịu và thỏa mãn” – BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nam Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, lý giải.
Mặc dù căn bệnh nhổ tóc không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nhưng lại gây ra những xấu hổ, mặc cảm, ngại giao tiếp cho họ. Bản thân bệnh nhân cũng thấy rất khó chịu mỗi khi thấy một sợi tóc nào đó lại cố nhoi lên da đầu của họ. Bởi vậy họ ra sức nhổ hết, mặc dù họ biết không nên nhổ, mặc dù trí tuệ vẫn còn nguyên nhưng bản năng đã thắng, họ vẫn đưa tay lên nhổ tóc.
Theo BS Hồi, để chữa được bệnh nhổ tóc bệnh lý này không dễ: “Chữa bệnh nhổ tóc phải theo nguyên lí tĩnh tâm. Khi bệnh nhân căng thẳng phải bật nhạc lên, làm các động tác thể dục dễ chịu, dễ làm. Ngoài ra, cần phải hỗ trợ thuốc men. Đặc biệt là các thuốc chữa trầm cảm, thuốc ức chế làm đỡ đi xung động”.
Được biết, đây là căn bệnh hiếm gặp trong các loại bệnh về rối loạn tâm thần. Nó có thể đến bất chợt với ai đó, ở một thời điểm hay độ tuổi bất kỳ không thể đoán trước được. Khác với bệnh tâm thần khác như hoang tưởng, động kinh, bệnh này không thể dò được bằng điện não đồ, mà chỉ dựa vào những chẩn đoán lâm sàng.
Bởi vậy, khi có những “sở thích”, thói quen” nhổ tóc mà bản thân bạn không thề kiềm chế được, hãy đến các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần để có hướng điều trị sớm, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của mình.
Hiền Lê