(VTC News) - Xung quanh cây sanh này có nhiều huyền thoại huyễn hoặc. Theo đó, gốc gác của nó từ sân chùa Hương Tích. Không hiểu bằng cách nào mà 30 năm trước lại rơi vào tay giới chơi cây.
Không rõ ông chủ của “siêu cây cảnh” ở đất Việt Trì có tuyên bố cụ thể về giá cây sanh này hay không, nhưng đám bảo vệ trông nom cây cảnh thì luôn mồm tuyên bố nó có giá 120 tỉ đồng! Không hiểu đây là giá ông Nguyễn Trung Thành đưa ra, giá có người trả nhưng không bán, hay giới chơi cây định giá? Hay ông Thành “vàng” đòi từng đó mới bán? Hay dù có người trả từng đó cũng không bán? Tóm lại, con số 120 tỉ đồng này rất mờ ảo. Mà thứ mờ ảo thì nó lan rất nhanh theo tin đồn.
Ông Nguyễn Trung Thành bên cây sanh quý.
Nhân đây cũng xin kể một chút về xuất xứ nhiều tranh cãi của cây sanh “Mâm xôi con gà” hay còn gọi là “Con gà mâm xôi”.
Xung quanh cây sanh này có nhiều huyền thoại huyễn hoặc. Theo đó, gốc gác của nó từ sân chùa Hương Tích. Không hiểu bằng cách nào mà 30 năm trước lại rơi vào tay giới chơi cây.
Cách đây 15 năm, cây sanh về tay anh Cường “họa sĩ”, được anh này chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa tót, thổi giá trị cho cây. Sau đó, anh Cường bán cho đại gia Quý “trôi” với giá 950 triệu đồng (nhà anh này ở thị trấn Trạm Trôi, nên có biệt danh thế, chứ không phải đi buôn cá trôi như một số người hiểu lầm).
Thương vụ mua bán ngót bạc tỉ đã gây sửng sốt một thời. Sau đó, cây sanh này còn về tay một đại gia ở quận Đống Đa. Mãi đến năm 2007, đại gia Thành “vàng” mới rước được về Việt Trì với giá mà anh tuyên bố là 5,6 tỉ đồng! Số tiền bỏ ra mua cây sanh, bằng giá chiếc Rolls Royce khi đó. Không rõ thực hư thế nào, vì ai mà biết tường tận cuộc giao dịch này.
Người xem cây được tặng ảnh.
Vì có lời đồn xuất xứ của cây từ chùa, nên nhiều đại gia mê tín không thích nó. Lấy cái gì của chùa cũng xui xẻo cả. Tuy nhiên, với đại gia Thành “vàng” thì cây sanh có vẻ không những không mang lại xui xẻo, mà mang lại danh tiếng nhiều hơn cho chủ nhân của nó. Xưa kia, chỉ người Việt Trì mới biết đến ông Thành “vàng” vì ông này có mấy cửa hàng vàng bạc ở Việt Trì, nhưng chỉ với tác phẩm có cái tên đơn giản là “Mâm xôi con gà” thì không những giới chơi cây cả nước, mà người mê cây cả nước đều biết tiếng.
Theo lời đồn, cây sanh này có xuất xứ từ chùa Hương. Tuy nhiên, theo họa sĩ Đặng Xuân Cường, thường gọi là Cường “họa sĩ”, người từng sở hữu cây sanh này nhiều năm, thì nó có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ.
Cây sanh vốn được anh Cường đặt lại tên là Cổ hương đại thụ. Chữ hương ở đây có nghĩa là hương thôn, là đơn vị nhỏ của làng xã khi xưa. Vì cây sanh vốn mọc trên cổng làng Ngô Sài, nên anh Cường đặt tên nó như vậy.
Không thể nhận ra đâu là mâm xôi, đâu là con gà nữa.
Từ những năm đầu thế kỷ trước, các cụ bô lão đã hạ cây xuống khỏi cổng làng. Cụ thân sinh ra ông Phạm Văn Tình vốn yêu thích cây cảnh, nên đã mang về trồng trên hòn non bộ bằng đá ong trước nhà. Chính cụ đã kỳ công tạo dáng cây sanh thành “Mâm xôi con gà”, thể hiện ước mơ của những nông dân thời đó, mong sao cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, thân phụ ông Tình qua đời, cây sanh thuộc về anh em nhà họ Phạm. Ông Tình là trưởng họ, nhưng vì cây sanh là tài sản chung, vả lại, mọi người đều ham thích chơi cây, nên mấy anh em chia thời gian sở hữu, để mọi người cùng được chơi. Mỗi người chơi 3-4 tháng, rồi lại chuyển qua nhà khác. Khi đó, cây sanh đã ôm trọn hòn non bộ, là những khối đá ong.
Năm 1996, ông Tình bỏ tiền xây cho người em một ngôi nhà cấp 4, thì được toàn quyền sở hữu cây sanh. Khi ông Tình sở hữu, có quyền quyết định mua bán, thì họa sĩ Đặng Xuân Cường đã rước được nó về nhà.
Khi họa sĩ Đặng Xuân Cường mua cây về, người khen thì ít, mà người chê thì nhiều. Cây cảnh nghệ thuật thường mang dáng long, ly, quy, phụng cho sang trọng, hoặc ít ra cũng phải tùng, cúc, trúc, mai, đằng này lại giống mâm xôi với con gà. Sốt ruột, họa sĩ Cường đã mang cưa và kéo ra “tùng xẻo” tan tành. “Tùng xẻo” xong, thấy nó không còn giống mâm xôi, con gà nữa, thì anh đổi tên nó thành Cổ hương đại thụ.
Xưa kia, cây mang thân trực, có nhiều rễ ôm thành vách, cách gốc chừng 1m có nhiều cành đan xen chằng chịt tạo thành tán tròn tượng trưng cho mâm xôi, phía trên ngọn là một con gà trống đang vươn cổ cất tiếng gáy. Giờ người xem nhìn mãi mà chả thấy mâm xôi với con gà đâu cũng là điều dễ hiểu.
Thân cây dáng trực.
Suốt 8 năm chăm sóc tỉ mẩn, chỉnh sửa, tạo dáng, cây Cổ hương đại thụ đã trở nên hoàn thiện, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, vẫn không ít người chê bai. Người thì bảo anh Cường đã cắt hỏng, người nói nên sửa thành song thụ, có người khuyên nên bán đi.
Cuối cùng, anh Cường “họa sĩ” đã bán cây sanh cho anh Nguyễn Văn Quý, tức Quý “trôi” vào năm 2004. Đến năm 2007, thì anh Quý bán cho ông Thành. Cái tên Mâm xôi con gà đã thành thương hiệu, đã nổi tiếng, nên dù nó chẳng còn giống mâm xôi với con gà, song cái tên đó vẫn được những người sở hữu về sau giữ lại.
Sau vụ chuyển nhượng “kinh khủng”, với số tiền 5,6 tỉ đồng cho một cây cảnh vào năm 2007, đại gia Thành “vàng” tiếp tục nổi như cồn khi có… lời đồn: Khi đem cây sanh xuống triển lãm ở “vườn thượng uyển” của đại gia Phiến “cá” ở thành phố Vĩnh Yên, một tỉ phú người Nhật đã đến xem và trả giá 1,2 triệu USD, song ông Thành vẫn… dửng dừng dưng. Một số người biết về cây sanh này thì kể khác: Hình như có đoàn khách Đài Loan đến ngó nghiêng cây rồi nói chuyện vui với nhau rằng cây này có đến triệu đô không nhỉ? Chỉ có thế mà nó thành 1,2 triệu đô. Tóm lại, vẫn chỉ là lời đồn, nên không biết thực hư thế nào.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương