Với những chiến sỹ cảnh sát được giao nhiệm vụ cầm súng thi hành bản án tử hình ở pháp trường với các tử tội, đó là nhiệm vụ đặc biệt.
Họ cũng có nhiều lý do khiến lâu nay báo chí nói về pháp trường thường chỉ nhắc đến các tử tội, về tâm lý, hành động của bị án trước và trong thời điểm ra pháp trường chứ không phải nói những người lĩnh nhiệm vụ thi hành án.Đứng trước một nhiệm vụ đặc trách như vậy, là người thừa hành pháp luật, đảm trách thi hành án tử tội, họ cũng có những tâm lý, suy nghĩ rất riêng. Bởi thế, nhiều lần tìm gặp những chiến sĩ cảnh sát từng cầm súng thi hành án tử hình, câu chuyện của họ chứa đựng nhiều diễn biến tâm lý.
Tôi gặp trung tá N.D.P khi anh đã có thâm niên trên 10 năm khoác áo lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với gần chục lần vác súng ra pháp trường thi hành tử tội. Những câu chuyện phía sau tiếng súng ở pháp trường luôn dai dẳng, mỗi một lần thi hành bản án tử hình là một diễn biến tâm lý khác nhau. Nhưng vượt lên tất thảy, đó là nhiệm vụ thừa hành pháp luật mà những người cầm súng thi hành án phải có bản lĩnh vững.
Năm 1993, N.D.P là lính cảnh sát cơ động thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Công an Hà Tĩnh (nay là Phòng Cảnh sát bảo vệ). Anh được lệnh cùng một số chiến sỹ trong đơn vị thi hành án tử hình tên Nguyễn Văn H. H. nguyên là lính sỹ quan biên phòng, do quan hệ yêu đương không đúng quy định, bị chỉ huy đơn vị nhắc nhở, sinh ra thù ghét. Hắn lợi dụng sơ hở, lấy trộm súng của đơn vị rồi điên cuồng bắn chết 2 người, trong đó có 1 sỹ quan cùng đơn vị và làm trọng thương 1 người khác, bị các cấp toà sơ thẩm, phúc thẩm kết án tử hình, Chủ tịch nước bác đơn ân xá. Đó cũng là vụ đầu tiên, N.D.P trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt như vậy.
"Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ cầm súng thi hành án tử hình, lại đang tuổi thanh niên chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết xã hội, nhiều diễn biến tâm lý trong tôi" - anh kể.
Những năm khoác trên mình màu áo cảnh sát, anh P. không ngại ngần trong bất kỳ vụ việc nào, từ chuyện lao xe máy, đánh gục tên cướp giật trên đường phố đến những lần đối mặt thách thức, đột nhập vào nhà, đá văng con dao phay trên tay kẻ côn đồ chém vợ. Hiểm nguy từng trải, nhưng chưa bao giờ thực thi nhiệm vụ như thế này. Nhưng trong lực lượng vũ trang, mọi thứ phải tuân thủ quy định và công việc nào cũng đòi hỏi bản lĩnh. Thi hành bản án tử hình đối với tử tội, những người lính cảnh sát càng phải chứng tỏ điều đó.
Tử tù viết thư trước khi ra pháp trường.
"Sáng mai, khoảng canh 3, xe của đội thi hành án sẽ dong thẳng ra pháp trường. Mỗi chiến sỹ thi hành lệnh bắn trong trang phục mũ sắt, quần áo cảnh sát, khoác một khẩu AK cùng các băng đạn"- anh P. cho biết.
"Đêm đã chuyển canh, tôi vắt tay lên đầu hình dung cảnh giương súng ở pháp trường. Khi còn nhỏ, tôi vẫn nổi tiếng nghịch ngợm. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình lớn lên sẽ làm lính Cảnh sát thi hành bản án tử hình như vậy. Nhiều suy nghĩ đan xen. Nhưng rồi tôi nghĩ, bắn một kẻ tội đồ, tước bỏ hắn khỏi đời sống xã hội là nhiệm vụ pháp luật giao phó, để người dân thấy nhẹ lòng như loại bỏ được khối u ác độc tồn tại lâu nay trong cơ thể. Bởi vậy, dù nhiệm vụ thử thách bản lĩnh, nhưng làm được điều đó có nghĩa mình góp phần đảm bảo sự công minh của pháp luật, tất là điều cần thiết"… Trôi theo dòng suy nghĩ ấy, anh choàng dậy vận động rắn chắc cánh tay, chuẩn bị đảm nhận nhiệm vụ vào rạng sáng mai...
Nhiệm vụ thi hành bản án vào sáng mai đối với kẻ tội phạm mà anh em cảnh sát không hề lạ mặt. Nhiều chiến sỹ cảnh sát cơ động từng xốc nách, khóa tay dẫn hắn vào phiên tòa, rồi áp tải lên xe. Có lần bảo vệ phiên tòa sơ thẩm, anh P. ngồi cạnh bị cáo H., hắn cứ nhìn chằm chằm vào anh không nói câu gì. Mắt bị cáo đỏ nhừ, anh P. nhìn, hắn cũng nhìn, cả hai thinh lặng. Anh P. hiểu, hắn đang tư duy điều gì bởi chỉ cách đó mấy tháng, H. cũng mang quân hàm sỹ quan, cấp bậc còn cao hơn anh P. Cũng đứng trong hàng ngũ và học những điều quân lệnh cấm. Nhưng giờ hai người đã khác hẳn nhau. H. đã gây ra hành vi phạm pháp nghiêm trọng, là kẻ tội đồ, pháp luật không dung thứ. Chủ tọa phiên tòa tuyên án tử hình, kẻ dùng súng bắn chết đồng đội quỵ xuống, anh P. mau lẹ xốc nách buộc bị cáo phải đứng dậy cho đến khi phiên tòa kết thúc.
Rồi tại phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa anh P. lại nhận nhiệm vụ áp giải tên tội phạm vào tòa. Lần này, anh cũng ngồi cạnh H. Tay bị cáo bấm còng số 8, bị cáo đứng bất thần trước vành móng ngựa. Hắn vẫn cái nhìn đỏ nhừ như trước. Dù chưa bao giờ hỏi nhau một câu gì, nhưng anh P. hiểu, tên tử tội cũng có suy nghĩ nào đó sau những lần giáp mặt nhau, ngồi cạnh ở hai tư thế khác biệt trong phiên tòa. Sau phiên phúc thẩm, anh P. và đồng đội lại áp giải tên tội phạm ra xe thùng đã chờ sẵn trước sân tòa. Mọi động tác đều rắn chắc, mau lẹ.
Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Sau thời gian chờ thi hành án, ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của tử tội. Và ngày mai, chính anh lại giương khẩu súng thực thi nhiệm vụ pháp luật. Chưa bao giờ ở vào hoàn cảnh vậy. Một cảm giác rất lạ, dù không phải sợ, không phải lo lắng. Nhưng tâm lý có lúc căng thẳng…
Thời gian chuyển dần về sáng, mệnh lệnh sắp thực thi. Có tiếng còi rú phía đầu sân. Tất cả chiến sỹ thuộc Đội Cảnh sát cơ động được giao nhiệm vụ bắn kẻ tử tội nhanh chóng có mặt, xếp hàng ngay ngắn. Họ cẩn thận kiểm tra, lau chùi súng một lần nữa rồi cho vào thùng dong thẳng ra pháp trường.
Pháp trường Thạch Ngọc trời tờ mờ, trông xa không rõ mặt người. Hừng đông không lộ sáng bởi những đám mây đen vần vũ phía xa. Tên tử tội đã được anh em quản lý trại giam cho dựa cột, bịt mắt. Hội đồng thi hành án đã có mặt đủ. Mệnh lệnh thi hành án bắt đầu. Cả pháp trường thinh lặng. Tử tội bị trói chặt chân tay vẫn cố sức gượng gạo. P. nâng súng hướng vào điểm ngắm. Mệnh lệnh vang lên. Bỗng từ phía cột, vọng lên ba tiếng "vĩnh biệt, vĩnh biệt, vĩnh biệt". Ba loạt đạn đồng thanh, kẻ ác bị loại bỏ. "Nhưng tại sao ngay trước khi bắn, tên tử tội còn kịp kêu 3 tiếng "vĩnh biệt"? Anh P. nhớ lại, đó cũng là vụ duy nhất trong nghiệp cầm súng bắn tử tù của anh xảy ra chuyện bị án kêu trước lúc bị hành quyết.
Thi hành xong bản án, khác hẳn với cảm giác ban đầu, tất thảy đều nhẹ nhõm như trút bỏ được cái gai bức bách trong mình. Một cái ác bị loại bỏ cũng nhằm răn đe những kẻ khác. Nhưng cũng có người cho rằng, thực thi nhiệm vụ như vậy ở pháp trường có thể bị ám ảnh. Có lúc, nằm bên vợ, anh trầm ngâm nghĩ những điều mà không thể nói với người bạn đời. Phụ nữ yếu bóng vía, rất có thể những việc như vậy gây ảnh hưởng nếu tư tưởng không tốt.
Cuối tuần đó, anh về thăm mẹ. Anh P. không kể những gì mình đã làm với vai trò người thừa hành pháp luật, bắn hạ kẻ tử tội. Nhưng anh muốn biết người đời coi hành động đó ngoài chuyện thi hành pháp luật là thế nào. Mẹ anh nhận ra những điều băn khoăn trong con trai mình, bà trở lại với những câu chuyện từng răn bảo cái ngày tiễn con lên đường làm nhiệm vụ mới:
"Ở đời có kẻ ác, người hiền. Ta ăn ở có trên dưới với người hiền, ắt là mình sống theo lẽ phải, theo cái đạo. Còn cái ác phải đấu tranh, ai giúp được dân loại trừ cái ác cũng chính là làm tốt lên cái lẽ phải vậy. Những kẻ phạm trọng tội, là kẻ thù của nhân dân, pháp luật không dung thứ, buộc phải loại chúng ra khỏi đời sống xã hội. Việc bắn bỏ chúng cần có bản lĩnh, cũng như ta nã súng vào quân thù trước đây, tức là để cứu nước cứu dân. Làm được cái việc mà nhiều người không thể, giúp nước, giúp dân thì phải lấy đó làm điều đáng trân trọng..." - những lời của mẹ như thắp lên ý chí và sự tự tin khác thường.
» Bộ Y tế nêu giải pháp để tử tù có thể hiến tạng
» Cận cảnh nỗi đau những người có thể sống nhờ... tử tù
» Nước mắt của những tử tù 8x
» Chuyện sống lại nhiều bộ phận cơ thể của tử tù đã chết
» Tử tù hiến xác không thể thực hiện được trên thực tế
» Từng có 2 tử tù xin hiến xác nhưng không được chấp nhận
» Chủ nhiệm UB Tư pháp QH nói về đề nghị "tử tù hiến xác"
» Tâm sự của bà mẹ chồng tử tù "người đẹp ma túy"
» Có nên thay xử bắn bằng tiêm thuốc độc cho tử tù?
Theo Đăng Trường (ANTG cuối tháng)
Open all references in tabs: [1 - 10]